Đoàn thanh niên tích cực tham gia chuyển đổi số trong cải cách hành chính tại địa phương
Công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng, xuyên suốt các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn phong phú, sinh động của công tác dân vận 94 năm qua (15/10/1930 - 15/10/2024) là minh chứng khẳng định lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Từ trải nghiệm trong những năm tìm đường cứu nước, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp (1917) với bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây (1919); tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp (1921), Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á (1925); xuất bản báo Người cùng khổ, tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp; thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc - 1925), trực tiếp huấn luyện những chiến sĩ trung kiên làm hạt nhân đi sâu vào các tầng lớp nhân dân tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, gieo niềm tin cách mạng, tinh thần đoàn kết trong các giai tầng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ nguồn gốc sức mạnh của Đảng là từ sức mạnh to lớn của nhân dân, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Ngày 03/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng.
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, trước tình hình các tổ chức quần chúng chỉ có 2.747 hội viên ở Bắc Kỳ, 327 hội viên ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, Người nhấn mạnh “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng". Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (từ ngày 14 - 31/10/1930 tại Hồng Kông) đã thông qua các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Hội nghị xác định rõ "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động", đặt nền tảng cho sự ra đời nhanh chóng hệ thống Ban chuyên môn và đội ngũ cán bộ về các giới vận động của Đảng, bao gồm Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, khẳng định quan điểm của Đảng, đó là, đoàn kết giai cấp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Những thành tựu to lớn qua 38 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 33 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 13 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển (năm 2011) tiếp tục khẳng định quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc luôn chú trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đối với các vấn đề về quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Đặc biệt, Nghị quyết 25-NQ/TW (2013) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

|
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc năm 2020. (Ảnh: ST) |
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân. Động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng vạn mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay trong công tác vận động nhân dân. Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu gương của cán bộ, đảng viên, qua đó không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, quan trọng hơn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, xây dựng hình ảnh cán bộ, đảng viên trước nhân dân, động viên, thuyết phục nhân dân ủng hộ, đồng thuận, tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Chủ đề công tác năm 2023 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”; Tháng Thanh niên năm 2023 mang chủ đề: "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số". Có thể thấy đây là quyết tâm lớn của tổ chức Đoàn các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số.
Cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ đã có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính phủ số, xã hội số; nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Từ năm 2023 đến nay, phường Hợp Đức đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, phường Hợp Đức xác định bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của phường là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, “không địa giới hành chính”; đổi mới, nâng cao hiệu quả của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn phường theo xu hướng chuyển đổi số, tối ưu hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xử lý công việc trên môi trường điện tử, cung cấp tối đa các dịch vụ tiện ích số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng công việc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số sẽ hạn chế được tiêu cực, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, đúng như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyển đổi số lần thứ nhất và công bố Ngày chuyển đổi số ngành công an do Bộ Công an tổ chức vào ngày 10/10/2022: “Chỗ nào kết nối, chia sẻ dữ liệu tốt thì sẽ thúc đẩy công việc suôn sẻ hơn. Chúng ta thực hiện công việc hành chính trên môi trường số sẽ hạn chế được tiêu cực”.
Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ban Chấp hành Đoàn phường cùng hệ thống chính trị làm tốt những nhiệm vụ, giải pháp để cùng với địa phương nâng cao chất lượng chuyển đổi số và cải cách hành chính tại địa phương:
Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính cán bộ, đoàn viên và Nhân dân địa phương. Đổi mới công tác tuyên truyền các hoạt động thiết thực, hiệu quả đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân địa phương với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú về thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” và Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ “về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” và thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố và quận về chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính.
Quán triệt sâu sắc tinh thần công cuộc cải cách thủ tục hành chính là phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng. Cải cách thủ tục hành chính phải đồng bộ, không thể tách rời với việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và quản lý nhà nước.
Thực hiện tốt giải pháp này sẽ nâng cao được nhận thức về chủ trương, quan điểm của việc chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, để từ đó có ý thức và hành động đúng trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Giúp toàn thể Nhân dân thông suốt cải cách thủ tục hành chính không phải là công việc chỉ riêng của các cơ quan nhà nước, bởi vì nó tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực hoạt động của địa phương. Do vậy, phải huy động toàn thể hệ thống chính trị cùng tham gia, lấy sự hài lòng của người dân và hiệu quả công tác quản lý làm thước đo cho kết quả cải cách.
Đoàn phường luôn chủ động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu trong chuyển đổi số, đẩy mạnh tuyên truyền đoàn viên, thanh niên tham gia chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn và tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong kết nối. Đoàn phường triển khai có hiệu quả phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn tích hợp trên ứng dụng điện thoại thông minh, để các chi đoàn, cán bộ đoàn viên truy cập, thực hiện các nghiệp vụ thuộc thẩm quyền. Theo đó, công tác kết nạp đoàn viên; chuyển đi, chuyển đến; đánh giá, xếp loại đoàn viên; khen thưởng, kỷ luật... đều thực hiện trên phần mềm. Đến nay, 100% thông tin dữ liệu của đoàn viên được số hóa trên hệ thống phần mềm quản lý đoàn viên. Cùng với đó, đoàn phường lập trang Facebook “Đoàn phường Hợp Đức” thu hút gần 5.000 lượt người theo dõi. Từ trang mạng xã hội này đoàn viên thanh niên cập nhật kịp thời các thông tin về phong trào, hoạt động đoàn, những mô hình hay, những gương điển hình tiên tiến; thông tin thời sự, hoạt động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước...
Đoàn viên thanh niên phối hợp với lực lượng công an phường trong việc cấp căn cước công dân gắn chíp, cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID) góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phối hợp với Công an phường trong việc cấp căn cước công dân gắn chíp
và cài đặt ứng dụng định danh điện tử
Đoàn phường tập trung thực hiện hiệu quả các phần việc, công trình thanh niên liên quan đến chuyển đổi số như ra mắt công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa” gắn mã QRCode điểm di tích lịch sử cấp thành phố tại Đình Quý Kim và Đình Đức Hậu để người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin, giới thiệu, quảng bá các điểm di tích lịch sử. Xây dựng và ra mắt tuyến đường 4.0 - tuyến đường thanh toán không sử dụng tiền mặt tại tổ dân phố Trung Nghĩa và tuyến đường 353 trên địa bàn phường, qua đó thúc đẩy ẩy triển khai thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, áp dụng nền tảng công nghệ số hình thành xã hội số văn minh trên địa bàn phường. Phối hợp với Ngân hàng LietVietPostbank tuyên truyền, vận động và hướng dẫn Nhân dân mở tài khoản ngân hàng nhằm hướng đến việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không sử dụng tiền mặt.

Công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa”
Bên cạnh đó Đoàn phường đồng hành với chính quyền địa phương thực hiện công tác cải cách hành chính. Đoàn phường chỉ đạo các đồng chí công chức trẻ tại bộ phận một cửa tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp công tác, cộng đồng trách nhiệm trong quản lý hành chính. Như chúng ta đều biết, yếu tố quyết định đến sự thành công của công cuộc cải cách thủ tục hành chính là con người. Triển khai cho cán bộ công chức nắm vững chủ trương, quan điểm cải cách thủ tục hành chính; tham mưu giúp lãnh đạo địa phường phân công nhiệm vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng công chức chuyên môn; có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ đối với cán bộ, công chức để kịp thời nắm bắt thông tin, kiến thức mới.
Ðoàn phường phân công đồng chí Phó Bí thư Đoàn phường cùng một số đồng chí đoàn viên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại thông minh. Ðoàn phường phân công 2 đoàn viên trực tại Bộ phận Một cửa UBND phường để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, Ðoàn phường còn phân công đoàn viên hỗ trợ Nhân dân thực hiện hồ sơ trực tuyến tại Công an phường 2 buổi/tuần. Tuy Nhân dân địa phương còn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa UBND phường, nhưng Ðoàn phường xác định đẩy mạnh tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, từng bước giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và dần quen với hình thức gửi nhận hồ sơ qua môi trường mạng.

Đoàn thanh niên trực tại bộ phận Một cửa UBND phường
Với tinh thần xung kích, tình nguyện, Đoàn phường đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ, đồng hành với chính quyền địa phương tham gia công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính. Loại bỏ dần dần hồ sơ giấy trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thay vào đó là việc tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trên môi trường điện tử; các thủ tục hành chính được liên thông và thống nhất với nhau trên các phần mềm chuyên ngành, phần mềm Một cửa điện tử và trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đặc biệt khi dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng hoàn chỉnh người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ chỉ kê khai thông tin cá nhân một lần duy nhất và thông tin đó sẽ được sử dụng cho các thủ tục hành chính tiếp theo. Qua đó góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và dân chủ.
Tiếp thu và thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố và quận về đẩy mạnh chuyển đổi số nói chung, đặc biệt là chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính. Từ năm 2023 đến nay phường Hợp Đức đã tập trung xây dựng và hoàn thiện Chính quyền điện tử, chính vì thế công tác chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được đặc biệt chú trọng; 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính thực hiện tại bộ phận một cửa đã được số hóa, được ký số và luân chuyển giải quyết trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của thành phố (trừ các thủ tục hành chính mang tính đặc thù của lĩnh vực công an); 100% hồ sơ tiếp nhận được nhập số hóa, tạo thuận lợi trong thống kê, trích xuất dữ liệu, theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết.
Cùng với sự vào cuộc của Đoàn phường trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính. Trong năm 2023 kết quả đã tiếp nhận và giải quyết được 1.559 hồ sơ các loại. Trong đó tổng số hồ giải quyết trên hệ thống Một cửa điện tử: 1.559/1.559, đạt 100%; Tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn 1.556 hồ sơ, quá hạn 03 hồ sơ (đã làm báo cáo giải trình và kèm theo phiếu xin lỗi công khai). Nhìn chung các loại hồ sơ của công dân đều được giải quyết một cách nghiêm túc, khoa học, đúng quy định. Bộ phận Một cửa phường lấy phiếu đánh giá của tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính trong năm 2023 với tổng số 100 phiếu đánh giá. Kết quả xếp loại theo các tiêu chí đối với phường năm 2023 đạt Xuất sắc.
Làm tốt công tác Dân vận trong chuyển đổi số và cải cách hành chính đã mang lại hiệu quả to lớn và rõ rệt góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa địa phương.
Chuyển đổi số và cải cách hành chính không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính rút ngắn được tối đa thời gian và tiết kiệm chi phí đi lại, từ đó có nhiều thời gian hơn để lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính giảm thời gian, chi phí, tiết kiệm được chi phí in ấn, chi phí văn phòng phẩm; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
Thêm vào đó, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tiêu cực, tham nhũng.
Không chỉ vậy, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan còn xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, mang lại một loạt tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ cắt giảm được khoảng cách địa lý và thời gian khi giao dịch các thủ tục hành chính, từ đó có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn. Chính phủ, thành phố, quận và địa phương nhờ dữ liệu số và công nghệ số sẽ thấu hiểu người dân hơn, vì vậy sẽ cung cấp các dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân được tốt hơn. Ngược lại người dân ngày càng tin tưởng và đồng thuận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; tạo tiền đề để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc./.